Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường – Đại học Bách Khoa (Hà nội) đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của hàm lượng bùn đến hiệu suất xử lý nước thải sinh hoạt bằng công nghệ phản ứng sinh học theo mẻ (SBR) và tìm ra hàm lượng bùn tối ưu để xử lý nước thải đạt hiệu quả cao.
– Ưu điểm lớn nhất của công nghệ SBR là tính linh động trong quá trình xử lý. Các điều kiện yếm khí trong giai đoạn nạp nước thải và khuấy trộn sẽ giúp thực hiện quá trình khử nitrate và phân giải phosphor. Trong giai đoạn sục khí sẽ thực hiện quá trình nitrate hóa và quá trình hấp thụ phosphor vào sinh khối. Quá trình xử lý phosphor trong bể SBR phụ thuộc nhiều vào lượng chất hữu cơ đầu vào và lượng nitrate có trong bùn được giữ lại từ chu trình làm việc trước đó. Các quá trình nitrate hóa, khử nitrate và xử lý phosphor đều có liên quan chặt chẽ đến tải lượng hữu cơ thấp đối với hệ thống SBR. Nếu hàm lượng chất hữu cơ đầu vào tương đối ổn định, thì tải lượng hữu cơ sẽ phụ thuộc lớn vào hàm lượng bùn trong bể phản ứng.
Nghiên cứu của nhóm này cho thấy, khi hàm lượng bùn tăng từ 1.000 – 2.000mg/l, hiệu suất xử lý COD và TN tăng tương ứng. Tuy nhiên, hiệu suất xử lý nước thải lại giảm xuống khi hàm lượng bùn tiếp tục tăng lên 3.000mg/l, hàm lượng bùn càng cao càng có lợi cho các vi khuẩn xử lý phosphor. Khả năng lắng của bùn tương đối tốt, các chỉ số thể tích bùn trung bình dao động trong khoảng 43-72ml/g hàm lượng bùn.